Thứ sáu, 27/02/2015 | 13:01 GMT+7

(ĐSPL) - Là Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực điều trị trầm cảm, T.S Tô Thanh Phương được biết đến như "từ mẫu" đã cống hiến gần trọn cuộc đời cứu vớt những bệnh nhân tâm thần.

Tên tuổi của T,S Phương (SN 1959) - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa cấp tính nữ - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) gắn liền với Luận án Tiến sỹ "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần” và đã tạo ra một bước đột phá đối với ngành tâm thần học.

Đó là phương sử dụng thuốc an thần kinh kết hợp với thuốc trầm cảm (Amitriptyline) mà trên thế giới chưa hề có một tài liệu nào đề cập đến. Bằng phương pháp điều trị này, Tiến sỹ Phương đã chữa khỏi cho rất nhiều người bệnh trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau (nhẹ, trung bình, nặng (không loạn thần và có loạn thần)... mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Gặp “Từ mẫu” của những bệnh nhân tâm thần - Ảnh 1Phóng to

 

T.S Tô Thanh Phương thăm khám các bệnh nhân.

 

Ngày 7/10/2014, ông được chọn là một trong 42 Trí thức nhận Bảng vàng vinh danh “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)...

Tiếp PV trong giây phút thảnh thơi ít ỏi trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2)”, T.S Tô Thanh Phương tâm sự về kỷ niệm khó quên từ ngày theo nghề.

T.S Phương Kể: Tôi nhớ nhất lần vừa vào công tác tại Bệnh viện, khi ấy có một bệnh nhân nam bị chứng bệnh trầm cảm trốn bệnh viện chạy ra ngoài.

Bệnh nhân này lại là giảng viên võ thuật của một trường ĐH. Khi nghe tin bệnh nhân trốn viện ra ngoài tôi và một y tá nữa đèo nhau trên chiếc “xe cá ươn”.

Khi đi về phía Nam, cách bệnh viện cũng khá xa, chúng tôi thấy bóng dáng bệnh nhân nhưng rất sợ vì người này có võ lại to cao. Lúc này, cả hai chẳng biết làm thế nào nếu lao thẳng tới trói lại chỉ sợ bị đánh vì bệnh nhân có võ…

Chúng tôi bám từ từ theo phía sau, thấy bệnh nhân mất cảnh giác tôi đã nhảy khỏi xe máy bất ngờ quàng tay qua cổ, ôm lấy bệnh nhân, y tá đi cùng cũng bỏ xe máy sang một bên lao tới cùng khống chế, vài phút sau bệnh nhân ấy cũng bị trói lại rồi chúng tôi đưa lên xe máy chở về bệnh viện.

 
 
 

Nói về những khó khăn trong quá trình đi tìm các phương pháp chữa trị chứng bệnh trầm cảm, t.s Phương kể lại: Năm 1986, tôi về làm việc tại Bệnh viện, đó cũng là giai đoạn vô cùng khó khăn khi đội ngũ y bác sĩ thì thiếu kiến thức, kinh nghiệm, các cơ sở vật chất thì nghèo nàn, dường như không thể đáp ứng được việc chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần được đưa vào.

Đặc biệt, khi các bệnh nhân tâm thần được chuyển vào đây họ rất nguy hiểm, một số y bác sỹ còn bị bệnh nhân đánh vỡ quai hàm, bẻ gãy tay… 

Cũng bởi lý do này nên nhiều bác sỹ không dám ở lại công tác mà phải chuyển đi. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ rằng: “Chẳng nhẽ cuộc đời mình đến thế này thôi sao?”. Mặc dù rất bi quan, chán nản nhưng tôi vẫn quyết định ở lại.

Từ những khó khăn ấy, T.S Phương đã tự mình đi học tiếng Pháp sau đó thi đỗ và sang Pháp học (1995). Tại Pháp ông nhận thấy phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm của họ rất hay và giải quyết được cho rất nhiều bệnh nhân.

"Trong khi đó tại Việt Nam, bệnh nhân tâm thần được đưa đến bệnh viện chẳng khác gì đẩy vào nhà tù" - T.S Phương nói.

Sau 1 năm học tôi đem theo nhiều cuốn sách nghiên cứu chữa trị bệnh trầm cảm đang thịnh hành từ bên Pháp về Việt Nam và áp dụng điều trị cho các bệnh nhân. Theo như các phương pháp điều trị trong sách thì bệnh nhân trầm cảm chỉ dùng thuốc trầm cảm và thấy hiệu quả không cao.

Đến năm 2002, tôi quyết định sang Pháp lần thứ 2 để hỏi thầy giáo đã dạy tôi về phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm, sau đó làm thử “Nghiên cứu đặc điểm lâm -sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần”.

“Ban đầu, khi nghiên cứu "Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần", tôi bị rất nhiều người phản đối song nghĩ về người bệnh phải khổ sở, mức độ nguy hiểm ngày càng bộc lộ ra vì không có phương pháp chữa trị, các bác sỹ thì nơm nớp lo sợ nên tôi quyết định mạo hiểm thực hiện cho bằng được. Sau đó, phương pháp này đã thành công và ngày càng được nhân rộng”.

Ngoài ra ông còn thực hiện thành công nghiên cứu “kích thích từ xuyên sọ trong hỗ trợ điều trị ảo thanh kéo dài ở bệnh nhân tâm thần phân liệt Paranoid.

Chia sẻ về tương lai, T.S Phương cho biết: Thời gian tới tôi có khá nhiều dự định, những dự định ấp ủ to lớn và tâm huyết nhất là viết một quyển sách về các công thức trầm cảm điều trị các dạng bệnh trầm cảm để lại cho thế hệ sau này.

“Tôi mong thế hệ trẻ hãy cống hiến hết mình, làm việc nhiệt tình, luôn đặt cao trọng trách của người thầy thuốc lên hàng đầu. Đừng thấy chút khó khăn mà từ bỏ người bệnh, vì được chữa trị, chăm sóc cho người bệnh khỏi bệnh đó chính là niềm vui lớn cho những người bác sỹ”. T.S Phương trăn trở.

Sau khi cãi nhau với bạn trên Facebook, cô gái 18 tuổi bị ám ảnh, trong đầu luôn nghe thấy tiếng người chửi. Cô trở nên lầm lỳ, sợ hãi và phải nhập viện tâm thần.

Nằm điều trị tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Nguyễn Thị Hoa (18 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) mang dáng vẻ thất thểu, mệt mỏi. Hoa vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp và đại học nhưng do căn bệnh trầm cảm khởi phát từ trước đó nên em đã không vượt qua kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Ngồi bên cạnh là chị Hạnh (mẹ của Hoa). Chị cho biết rất thương con nhưng chỉ biết động viên để Hoa nhanh khỏe để tiếp tục ôn thi vào năm sau, bắt đầu lại cuộc đời.

Nhap vien tam than vi cai nhau tren Facebook hinh anh 1
Bác sĩ Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện, trưởng khoa Cấp tính nữ - đang thăm khám cho bệnh nhân Hoa. Ảnh: Việt Hùng.

Ảo thanh chỉ vì Facebook

Chị Hạnh cho biết: “Cách đây khoảng 5 tháng, tôi để ý thấy con gái có những biểu hiện bất thường như hay cười tủm một mình, lẩm bẩm, nói chuyện một mình, thất thểu, gọi 2-3 tiếng mới thưa, hay kêu chán, không chịu ăn, thậm chí trốn ăn, không ngủ. Sau một thời gian, tôi thấy con gầy đi trông thấy, xanh xao nên rất lo lắng”.

Sau khi trò chuyện với con, chị mới biết Hoa thường xuyên truy cập Facebook. Gần đây, em và bạn thân có mâu thuẫn và cãi nhau trên mạng xã hội. Hoa bị người bạn kia nói xấu, bêu rếu trên Facebook nên chán nản, mệt mỏi. Em trở nên ngại tiếp xúc với bạn bè, người xung quanh, lầm lỳ trong nhà.

Nghiêm trọng hơn, cô bé 18 tuổi luôn nghe thấy trong đầu có tiếng nói, đặc biệt là tiếng chửi mình. “Hoa kể con liên tục nghe thấy người chửi mình. Thỉnh thoảng lại kêu lên ‘mẹ ơi, nó chửi con’, khiến em mất kiểm soát và sợ hãi. Tình trạng ngày càng nặng nên chúng tôi quyết định đưa em vào viện”, chị Hạnh cho hay.

Hệ lụy từ thế giới ảo

Nói về trường hợp này, TS.BSCC, Phó giám đốc, Trưởng khoa cấp tính nữ Tô Thanh Phương, cho hay: “Bệnh nhân Hoa nhập viện trong tình trạng trầm cảm, có ảo thanh, bên trong đầu luôn có tiếng nói xui khiến. Bệnh nhân có ý định tự tử. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân có tiến triển, đã ăn uống nhiều hơn, ngủ ngon hơn”.

Theo bác sĩ Phương, lứa tuổi từ 17-18 tuổi nhập viện tâm thần không phải hiếm. Bệnh nhân tại đây thuộc 4 nhóm chính:

- Do yếu tố gia đình chiếm 5-7%.

- Nhân cách người bệnh (những người kín đáo, ít thể hiện, người có đòi hỏi quá cao trong công việc, cuộc sống nhưng không thực hiện được).

- Mắc một căn bệnh nào đó (bệnh ung thư, bệnh tim, phụ nữ sau đẻ,…).

- Liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội (chiếm tới 60-70%).

Trường hợp của bệnh nhân Hoa không hiếm gặp, nó thuộc nhóm cuối cùng, bao gồm các nguyên nhân xuất phát từ tình cảm, áp lực cuộc sống, thi cử,…

Theo bác sĩ Phương, bệnh nhân trầm cảm có dấu hiệu ban đầu kín đáo, sau đó diễn biến nặng với các biểu hiện loạn thần, ảo thanh, ảo giác,… Đa số đều có ý định tự sát. Nếu gia đình không phát hiện, hệ lụy sẽ rất nguy hiểm. May mắn trong trường hợp này, gia đình đã phát hiện và quan tâm kịp thời.

Chia sẻ thêm về tác động của mạng xã hội, bác sĩ Vương Khánh Hiệp, Phó khoa Cấp tính nữ cho hay, những sang chấn tâm lý, stress phần nhiều là do mạng xã hội, việc học hành, gia đình mang lại.

Đặc biệt, mạng xã hội đang ảnh hưởng tới tâm lý giới trẻ rất nhiều. Bác sĩ Hiệp phân tích, nhiều em nghiện Facebook, thức thâu đêm, không ăn uống để chơi, trò chuyện, sống ảo.

Kết quả, chúng khiến hệ thần kinh yếu đi và làm tính cách thay đổi. Họ trở nên ngại giao tiếp, ít để ý công việc của mình. Bệnh nhân mất ăn mất ngủ, đau đầu, xuất hiện cảm giác lo sợ.

Ngoài ra, những thông tin trên mạng xã hội có thể khiến bệnh nhân xuất hiện ảo tưởng, chi phối cảm xúc hành vi của bản thân.

"Với những tác động này bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần, ảo tưởng. Đáng tiếc, nhiều gia đình thường giấu, không đưa đến viện để điều trị, dẫn tới những sự việc đáng tiếc. Đó là những vụ tự tử ở những tuổi rất trẻ", bác sĩ Hiệp lo ngại.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Hà Quyên - Việt Hùng

- Sau khi sinh con thứ 2, bà mẹ trẻ không ăn, không ngủ khiến cân nặng sụt từ 57kg xuống còn 24kg trong vòng 5 tháng.

TS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, bệnh nhân là Phạm Thị Hằng (27 tuổi, Hải Hậu, Nam Định), nhập viện cách đây hơn 1 tháng trong tình trạng bị trầm cảm rất nặng: Không ăn, không uống, không nói chuyện và chống đối điều trị quyết liệt.

Theo mẹ chồng chị Hằng, sau khi sinh con thứ nhất, con dâu bà có những biểu hiện bất thường như rửa tay liên tục, sợ sệt nhưng mọi người nghĩ là biểu hiện bình thường sau sinh nên không để ý.

trầm cảm, trầm cảm sau sinh, mất ngủ, tâm thần, bệnh viện tâm thần
Chị Hằng gầy gò, trầm cảm nặng khi mới nhập viện. Ảnh: BSCC

Cho đến khi chị Hằng sinh con thứ 2 cách đây 5 tháng, các biểu hiện dần nặng lên như không ăn, không ngủ, không uống thuốc, lẩn thẩn... thậm chí còn định tự sát.

Tình trạng này kéo dài suốt 5 tháng ròng khiến chị Hằng bị sụt cân nghiêm trọng, từ 57kg còn 24kg. Khi vào bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chị Hằng gầy gò, xanh xao, mắt trũng sâu, trán dô ra.

Theo TS Phương, bệnh nhân Hằng là một trong những trường hợp trầm cảm sau sinh thể nặng. Do bệnh nhân chống đối quyết liệt nên các bác sĩ phải trộn thuốc an thần vào sữa và cho ăn qua đường xông.

"Sau đó bệnh nhân được điều trị bằng cách kích từ xương sọ. Đây là phương pháp chữa trầm cảm mới nhất hiện nay, giúp bệnh nhân không cần dùng thuốc và giảm được các tác dụng không mong muốn của thuốc", TS Phương chia sẻ.

Sau gần 1 tháng điều trị, hiện chị Hằng đã tăng thêm được gần 4kg, giao tiếp vui vẻ và có thể được xuất viện trong nửa tháng tới.

80% bệnh nhân trầm cảm muốn tự sát

Theo TS Phương, số lượng người bị trầm cảm chiếm khoảng 20% dân số thế giới với 3 thể: Nhẹ, vừa, nặng. Trong đó giai đoạn đầu rất khó phát hiện.

Riêng trầm cảm nặng phân làm 2 loại: Không loạn thần (với biểu hiện buồn thảm, ủ rũ, bi quan, chán nản) và loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xui khiến như: tự tử, giết người, không ăn, bỏ nhà và nhảy lầu là nguy hiểm nhất).

trầm cảm, trầm cảm sau sinh, mất ngủ, tâm thần, bệnh viện tâm thần
TS Tô Thanh Phương. Ảnh: T.Hạnh

"Nếu bị ảo thanh kéo dài ngoài 6 tháng là không thể chữa khỏi", TS Phương nhấn mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công.

Media player poster frame
 

Với trầm cảm sau sinh, tỉ lệ này chiếm khoảng 0,15% số phụ nữ sinh đẻ. Mỗi năm bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tiếp nhận 20-30 bệnh nhân.

Theo TS Phương, mất ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và tỉ lệ này ngày càng lớn nhưng ít người để ý, có trường hợp trắng đêm không ngủ 8-12 năm.

Đáng lưu ý, nhiều người mất ngủ tự ý dùng thuốc trị mất ngủ thay vì nghĩ đến trầm cảm, trong đó uống nhiều melatonin có thể làm teo tuyến tùng.

TS Phương cho biết, điều trị trầm cảm phải kết hợp thuốc và tâm lý, trường hợp nặng có thể phải dùng sốc điện, kích từ.

Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn sẽ áp dụng những loại thuốc trầm cảm khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các thuốc trầm cảm đều có tác dụng phụ không mong muốn như tác động hệ tim mạch khiến tim đập nhanh, dùng lâu có thể gây suy tim nên người già dùng nguy hiểm, tác động hệ tiết niệu gây bí tiểu rồi gây táo bón, khô miệng, rối loạn tình dục...

3 triệu chứng phát hiện sớm trầm cảm

TS Phương lưu ý, khi nhận thấy những dấu hiệu sau ở bản thân hoặc người thân, cần nghĩ ngay đến trầm cảm:

- Khí sắc giảm, buồn rầu, tình trạng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần.

- Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú, không còn ham muốn với những sở thích trước kia.

- Giảm năng lượng: Người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì nhỏ nhẹ cũng thấy mệt. Mệt mỏi tăng về buổi sáng.

Ngoài ra có các triệu chứng phụ: Cảm thấy bi quan, chán nản về tương lai, tiến độ, giảm lòng tự trọng, tự tin, có những ý tưởng và hành vi tự sát, chán ăn, không muốn ăn, có những người từ chối ăn, rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần...

Thúy Hạnh

Được xem là Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp đầu ngành trong lĩnh vực trầm cảm ở Việt Nam, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa 6, Viện Tâm Thần TW1 luôn có những nhiệt huyết không ngừng trong công việc và chưa từng bó tay trước bất cứ người bệnh điên nào.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cùng lắng nghe những chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Tô Thanh Phương về những bận bịu trong nghề cũng như nghe ông kể về lý do tại sao chọn nghề vất vả này.

Chào bác sĩ Tô Thanh Phương, tính đến thời điểm này, ông đã công tác tại viện Tâm Thần bao nhiêu năm rồi?

Chào bạn, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982 thì tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự, là bác sỹ quân y của trường sỹ quan Tên lửa - Ra đa (Nay là học viện Phòng Không).

Từ tháng 1 năm 1986 đến nay, tôi chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I. Tính đến nay, tôi công tác tại viện này đã 31 năm.

Công việc hàng ngày của bác sĩ tại khoa 6 cũng như một ngày khám và điều trị cho các bệnh nhân tâm thần của ông ra sao?

Là phó giám đốc bệnh viện, tôi phụ trách phòng Đào tạo, phòng Nghiên cứu khoa học - Hợp tác Quốc tế và kiêm Trưởng khoa cấp tính nữ (khoa 6). Vì thế công việc của tôi gồm rất nhiều đầu việc/tuần.

Thông thường, tất cả các buổi sáng, tôi đều chủ trì giao ban, kíp trực báo cáo tình hình bệnh nhân trong ngày và đêm. Trường hợp nào khó thì cho hướng để bác sỹ điều trị điều chỉnh liều thuốc. Ngoài ra, tôi trực tiếp chủ trì hội chẩn các bệnh nhân khó.

Gặp Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành của Việt Nam chưa từng bó tay trước người tâm thần nào! - Ảnh 1

Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa 6, Viện Tâm Thần TW1 đang thăm khám cho bệnh nhân.

Sáng thứ hai hàng tuần, tôi cũng chủ trì đi buồng khám bệnh cùng các bác sỹ trong khoa và sinh viên các trường Đại học y đến học và thực tập. Các bác sỹ báo cáo tình hình bệnh của bệnh nhân mà mình phụ trách. Nếu bệnh nhân nào phức tạp thì tôi cho hướng dẫn để bác sỹ đó điều chỉnh thuốc cho hợp lý. Đồng thời cũng giảng lâm sàng cho sinh viên tại chỗ.

Sáng thứ 3 thứ 5 hàng tuần, tôi thăm khám cho các bệnh nhân trực tiếp điều trị. Nếu bệnh nhân nào diễn biến bất thường thì điều chỉnh liều phù hợp.

Sáng thứ 4, thứ 6 hàng tuần là thời gian tôi thăm khám bệnh nhân và trực tiếp điều trị.

Nổi tiếng trong giới y khoa là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về chuyên ngành trầm cảm, vậy tại sao ban đầu ông lại chọn ngành rất khó nhọc và vất vả này?

Năm 1989, lúc đó tôi là phó khoa 5. Bệnh nhân Chử Văn T người Lai Châu mặc dù bác sỹ trưởng khoa đang tiêm liều thuốc khá cao trong 1 tuần cho bệnh nhân là Aminazine 25 mg ngày 6 ống, Haloperidol 5 mg ngày 4 ống.

Tuy nhiên bệnh nhân T vẫn kích động dữ dội. Bệnh nhân T còn đè bệnh nhân khác ra định lấy chuôi thìa móc mắt bệnh nhân khác. May mà sự việc được phát hiện kịp thời.

Thấy vậy, tôi bỏ thời gian vài ngày theo dõi và thấy bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ, vẻ mặt u buồn, có lúc sụt sùi khóc, ngồi ở xó buồng.

Tôi nghĩ là trầm cảm và xin nhận điều trị bệnh nhân này. Cũng may trưởng khoa đồng ý và bảo tôi viết đơn chịu trách nhiệm.

Sau khi giám đốc ký đồng ý thì tôi điều trị bằng công thức riêng của mình. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã thấy dễ chịu ngay. Sau 1 tuần bệnh nhân T chuyển biến tốt. Từ đó tôi quyết tâm đi theo hướng điều trị trầm cảm.

Năm 1995, khi sang Pháp nghiên cứu lần 1, tôi thấy họ chỉ dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần cho bệnh nhân và họ nặng về liệu pháp tâm lý nên ít hiệu quả. Tôi mua nhiều sách đem về nghiên cứu.

Năm 2000 tôi bắt đầu làm luận án điều trị trầm cảm bằng thuốc an thần kinh phối hợp với thuốc chống trầm cảm. Thời điểm đó an thần kinh là chống chỉ định điều trị trầm cảm. Năm 2002, tôi sang Pháp lần 2 và hỏi ý kiến các giáo sư. Các thầy thấy có khả thi nên động viên tôi.

Kết quả, tôi đã báo cáo thành công luận án Tiến sĩ điều trị trầm cảm bằng An thần kinh phối hợp với Chống trầm cảm đã đem lại hiệu quả rất cao. Hiện nay biện pháp chữa bệnh này đã thành phổ biến. Rất nhiều bệnh nhân trầm cảm đã khỏi bệnh.

Là Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành ở Việt Nam, ông đã từng phải bó tay trước bất cứ 1 ca bệnh trầm cảm nào chưa?

Cho đến nay, tôi chưa bó tay trước bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào vì luôn có sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân, gia đình.

Với bệnh nhân nặng, tôi thường có thể tiêm tuần đầu rồi cho uống thuốc. Nếu chống đối uống thì cho vào sữa và cho ăn sonde hoặc cho thuốc vào đồ ăn, nước uống.

Thường người bệnh chỉ căng thẳng trong 2 tuần đầu. Khi thuốc đã ngấm thì hợp tác của các bệnh nhân với bác sĩ sẽ tốt hơn.

Từng tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị bệnh trầm cảm ở các mức độ khác nhau từ điên loạn, đến kinh dị. Ông có thể kể về hành trình chữa những ca bệnh ấn tượng nhất ông từng chữa?

Trong suốt những năm làm bác sĩ chữa trầm cảm tại viện, tôi đã từng gặp và đa số là trầm cảm nặng có loạn thần. Nhưng trong đó tôi ấn tượng nhất là những ca bệnh như bệnh nhân dùng thìa móc mắt bệnh nhân khác; bệnh nhân đập vỡ gương soi và ngoáy lòi mắt bệnh nhân khác; bệnh nhân giết cháu bé và mổ bụng ăn thịt ở Lạng Sơn; bệnh nhân định dùng tuýp sắt đập chết con 2 tuổi và định dội phích nước sôi vào con cho chết hẳn.

Hay như trường hợp bệnh nhân do gia đình mê tín đưa lên chùa chữa, bệnh nhân nhịn ăn 1 tuần và kích động dữ dội, cắn nát môi khiến nhà chùa phải buộc đũa cả vào miệng đưa đến viện 103. Rồi viện này lại giới thiệu sang Bệnh viện Bạch Mai và BV Bạch Mai lại chuyển đến Viện Tâm thần Trung ương 1. Tuy nhiên, hiện bệnh nhân này đã được điều trị khỏi hoàn toàn và đã lấy chồng, sinh con.

Hoặc một trường hợp bệnh nhân “Người cá” cắn nát môi, giãy giụa như cá cũng đã được điều trị tốt.

Gặp Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành của Việt Nam chưa từng bó tay trước người tâm thần nào! - Ảnh 2

Bác sĩ nhớ như in những ca bệnh "khó nhằn" ông từng chữa.

Là một bác sĩ điều trị trầm cảm cho các bệnh nhân, cá nhân ông thấy trong quá trình điều trị trầm cảm, khó khăn lớn nhất là những khó khăn nào?

Thực tế, khó khăn lớn nhất của một bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân chính là chẩn đoán bệnh có đúng không. Đây là cái khó lớn nhất. Vì nếu chẩn đoán không đúng thì điều trị không hiệu quả.

Ngoài ra, gia đình có hợp tác không và bệnh nhân có chịu hợp tác với bác sĩ để uống thuốc không cũng là một khó khăn nữa với người thầy thuốc. Nhiều khi để làm được tốt công tác tư tưởng, những bác sĩ như tôi phải ngồi trò chuyện với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân hàng giờ liền. Đôi khi chỉ nghe họ kể những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối và phải tự chắp vá lại để phán đoán hướng điều trị và động viên họ.

Khi điều trị bệnh trầm cảm, ngoài những phương thuốc màu nhiệm về y khoa, để chẩn đoán bệnh chuẩn, theo ông cần thêm những điều gì? Vì sao?

Là bác sĩ thì quan trọng nhất phải có cái Tâm với nghề. Và bác sĩ chữa trầm cảm thì càng quan trọng phải có cái Tâm. Khi có cái Tâm, nghĩa là bạn mới thực sự thương người bệnh. Khi đó bạn sẽ thăm khám cho người bệnh bằng cả trái tim và khối óc mới ra được bệnh.

Bởi rất nhiều người bệnh mà các triệu chứng không điển hình, rất khó để xác định 1 ca trầm cảm. Ngược lại, phải khám tỉ mỉ, khám lâu, hỏi kỹ và đồng cảm với người bệnh mới được.

Nếu như nhiều bác sỹ khám bệnh nhân rất qua loa, thậm chí quát nạt thì không bao giờ chữa được trầm cảm.

Hiện nay ngoài thuốc, chúng tôi dùng kỹ thuật mới nhất mà thế giới đang áp dụng là kích thích từ xuyên sọ. Kỹ thuật này điều trị khá hiệu quả trầm cảm.

Trong quá trình chữa bệnh, đã có những thời điểm mà gặp hoàn cảnh quá đỗi éo le của bệnh nhân, lòng 1 bác sĩ như ông cũng đã phải chùng lòng xuống không? Đó là những hoàn cảnh nào?

Tôi đã gặp một số bệnh nhân trầm cảm sau sinh của các phụ nữ. Bản thân họ biết bị bệnh nhưng chồng, gia đình đều cho là họ giả vờ. Cụ thể như có bệnh nhân ở Thanh Hóa, chị ức quá đã định ôm con nhảy từ tầng 2 xuống vì cho rằng tại con mà chị phải chịu oan ức thế này. Chị không ăn không ngủ được, mệt mỏi quá không làm được thì nhà chồng cứ bảo giả vờ, lười biếng.

Gặp Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành của Việt Nam chưa từng bó tay trước người tâm thần nào! - Ảnh 3

Những ca trầm cảm sau sinh của các phụ nữ khiến một bác sỹ như ông cũng thấy thương cảm và chùng lòng xuống.

2 tuần đầu sau sinh, người bệnh thường mất ngủ, lo âu, buồn chán. Các biểu hiện này kéo dài quá 2 tuần dễ phát sinh trầm cảm sau sinh. Nếu được gia đình, nhất là chồng động viên, giúp đỡ thì bệnh sẽ tiến triển tốt hơn.

Trước những bệnh nhân này, lòng bác sĩ như chúng tôi thường rất thương cảm và chùng lòng xuống. Cá nhân tôi rất mong, chúng ta nên tìm hiểu tại sao lại vậy để giúp đỡ những phụ nữ như thế thay vì nghi ngờ hoặc hắt hủi họ.

Những dự định và kế hoạch của ông lúc này?

Là một bác sĩ, tôi đã chữa cho rất nhiều bệnh nhân trầm cảm khỏi bệnh. Bởi vậy, trong tương lai tôi dự định sẽ viết một cuốn sách về các phương pháp chữa một số bệnh trầm cảm rất đặc hiệu mà nhiều bác sỹ hiện nay còn lúng túng.

Xin chân thành cảm ơn ông và chúc bác sĩ luôn thực hiện được dự định này của mình. Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2, thay mặt Emdep.vn, xin kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe và là nơi được nhiều bệnh nhân tin tưởng, gửi gắm bệnh tật nguy nan của mình.

Thảo Nguyên