Được xem là Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp đầu ngành trong lĩnh vực trầm cảm ở Việt Nam, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa 6, Viện Tâm Thần TW1 luôn có những nhiệt huyết không ngừng trong công việc và chưa từng bó tay trước bất cứ người bệnh điên nào.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cùng lắng nghe những chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Tô Thanh Phương về những bận bịu trong nghề cũng như nghe ông kể về lý do tại sao chọn nghề vất vả này.

Chào bác sĩ Tô Thanh Phương, tính đến thời điểm này, ông đã công tác tại viện Tâm Thần bao nhiêu năm rồi?

Chào bạn, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982 thì tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự, là bác sỹ quân y của trường sỹ quan Tên lửa - Ra đa (Nay là học viện Phòng Không).

Từ tháng 1 năm 1986 đến nay, tôi chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I. Tính đến nay, tôi công tác tại viện này đã 31 năm.

Công việc hàng ngày của bác sĩ tại khoa 6 cũng như một ngày khám và điều trị cho các bệnh nhân tâm thần của ông ra sao?

Là phó giám đốc bệnh viện, tôi phụ trách phòng Đào tạo, phòng Nghiên cứu khoa học - Hợp tác Quốc tế và kiêm Trưởng khoa cấp tính nữ (khoa 6). Vì thế công việc của tôi gồm rất nhiều đầu việc/tuần.

Thông thường, tất cả các buổi sáng, tôi đều chủ trì giao ban, kíp trực báo cáo tình hình bệnh nhân trong ngày và đêm. Trường hợp nào khó thì cho hướng để bác sỹ điều trị điều chỉnh liều thuốc. Ngoài ra, tôi trực tiếp chủ trì hội chẩn các bệnh nhân khó.

Gặp Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành của Việt Nam chưa từng bó tay trước người tâm thần nào! - Ảnh 1

Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa 6, Viện Tâm Thần TW1 đang thăm khám cho bệnh nhân.

Sáng thứ hai hàng tuần, tôi cũng chủ trì đi buồng khám bệnh cùng các bác sỹ trong khoa và sinh viên các trường Đại học y đến học và thực tập. Các bác sỹ báo cáo tình hình bệnh của bệnh nhân mà mình phụ trách. Nếu bệnh nhân nào phức tạp thì tôi cho hướng dẫn để bác sỹ đó điều chỉnh thuốc cho hợp lý. Đồng thời cũng giảng lâm sàng cho sinh viên tại chỗ.

Sáng thứ 3 thứ 5 hàng tuần, tôi thăm khám cho các bệnh nhân trực tiếp điều trị. Nếu bệnh nhân nào diễn biến bất thường thì điều chỉnh liều phù hợp.

Sáng thứ 4, thứ 6 hàng tuần là thời gian tôi thăm khám bệnh nhân và trực tiếp điều trị.

Nổi tiếng trong giới y khoa là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về chuyên ngành trầm cảm, vậy tại sao ban đầu ông lại chọn ngành rất khó nhọc và vất vả này?

Năm 1989, lúc đó tôi là phó khoa 5. Bệnh nhân Chử Văn T người Lai Châu mặc dù bác sỹ trưởng khoa đang tiêm liều thuốc khá cao trong 1 tuần cho bệnh nhân là Aminazine 25 mg ngày 6 ống, Haloperidol 5 mg ngày 4 ống.

Tuy nhiên bệnh nhân T vẫn kích động dữ dội. Bệnh nhân T còn đè bệnh nhân khác ra định lấy chuôi thìa móc mắt bệnh nhân khác. May mà sự việc được phát hiện kịp thời.

Thấy vậy, tôi bỏ thời gian vài ngày theo dõi và thấy bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ, vẻ mặt u buồn, có lúc sụt sùi khóc, ngồi ở xó buồng.

Tôi nghĩ là trầm cảm và xin nhận điều trị bệnh nhân này. Cũng may trưởng khoa đồng ý và bảo tôi viết đơn chịu trách nhiệm.

Sau khi giám đốc ký đồng ý thì tôi điều trị bằng công thức riêng của mình. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã thấy dễ chịu ngay. Sau 1 tuần bệnh nhân T chuyển biến tốt. Từ đó tôi quyết tâm đi theo hướng điều trị trầm cảm.

Năm 1995, khi sang Pháp nghiên cứu lần 1, tôi thấy họ chỉ dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần cho bệnh nhân và họ nặng về liệu pháp tâm lý nên ít hiệu quả. Tôi mua nhiều sách đem về nghiên cứu.

Năm 2000 tôi bắt đầu làm luận án điều trị trầm cảm bằng thuốc an thần kinh phối hợp với thuốc chống trầm cảm. Thời điểm đó an thần kinh là chống chỉ định điều trị trầm cảm. Năm 2002, tôi sang Pháp lần 2 và hỏi ý kiến các giáo sư. Các thầy thấy có khả thi nên động viên tôi.

Kết quả, tôi đã báo cáo thành công luận án Tiến sĩ điều trị trầm cảm bằng An thần kinh phối hợp với Chống trầm cảm đã đem lại hiệu quả rất cao. Hiện nay biện pháp chữa bệnh này đã thành phổ biến. Rất nhiều bệnh nhân trầm cảm đã khỏi bệnh.

Là Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành ở Việt Nam, ông đã từng phải bó tay trước bất cứ 1 ca bệnh trầm cảm nào chưa?

Cho đến nay, tôi chưa bó tay trước bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào vì luôn có sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân, gia đình.

Với bệnh nhân nặng, tôi thường có thể tiêm tuần đầu rồi cho uống thuốc. Nếu chống đối uống thì cho vào sữa và cho ăn sonde hoặc cho thuốc vào đồ ăn, nước uống.

Thường người bệnh chỉ căng thẳng trong 2 tuần đầu. Khi thuốc đã ngấm thì hợp tác của các bệnh nhân với bác sĩ sẽ tốt hơn.

Từng tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị bệnh trầm cảm ở các mức độ khác nhau từ điên loạn, đến kinh dị. Ông có thể kể về hành trình chữa những ca bệnh ấn tượng nhất ông từng chữa?

Trong suốt những năm làm bác sĩ chữa trầm cảm tại viện, tôi đã từng gặp và đa số là trầm cảm nặng có loạn thần. Nhưng trong đó tôi ấn tượng nhất là những ca bệnh như bệnh nhân dùng thìa móc mắt bệnh nhân khác; bệnh nhân đập vỡ gương soi và ngoáy lòi mắt bệnh nhân khác; bệnh nhân giết cháu bé và mổ bụng ăn thịt ở Lạng Sơn; bệnh nhân định dùng tuýp sắt đập chết con 2 tuổi và định dội phích nước sôi vào con cho chết hẳn.

Hay như trường hợp bệnh nhân do gia đình mê tín đưa lên chùa chữa, bệnh nhân nhịn ăn 1 tuần và kích động dữ dội, cắn nát môi khiến nhà chùa phải buộc đũa cả vào miệng đưa đến viện 103. Rồi viện này lại giới thiệu sang Bệnh viện Bạch Mai và BV Bạch Mai lại chuyển đến Viện Tâm thần Trung ương 1. Tuy nhiên, hiện bệnh nhân này đã được điều trị khỏi hoàn toàn và đã lấy chồng, sinh con.

Hoặc một trường hợp bệnh nhân “Người cá” cắn nát môi, giãy giụa như cá cũng đã được điều trị tốt.

Gặp Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành của Việt Nam chưa từng bó tay trước người tâm thần nào! - Ảnh 2

Bác sĩ nhớ như in những ca bệnh "khó nhằn" ông từng chữa.

Là một bác sĩ điều trị trầm cảm cho các bệnh nhân, cá nhân ông thấy trong quá trình điều trị trầm cảm, khó khăn lớn nhất là những khó khăn nào?

Thực tế, khó khăn lớn nhất của một bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân chính là chẩn đoán bệnh có đúng không. Đây là cái khó lớn nhất. Vì nếu chẩn đoán không đúng thì điều trị không hiệu quả.

Ngoài ra, gia đình có hợp tác không và bệnh nhân có chịu hợp tác với bác sĩ để uống thuốc không cũng là một khó khăn nữa với người thầy thuốc. Nhiều khi để làm được tốt công tác tư tưởng, những bác sĩ như tôi phải ngồi trò chuyện với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân hàng giờ liền. Đôi khi chỉ nghe họ kể những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối và phải tự chắp vá lại để phán đoán hướng điều trị và động viên họ.

Khi điều trị bệnh trầm cảm, ngoài những phương thuốc màu nhiệm về y khoa, để chẩn đoán bệnh chuẩn, theo ông cần thêm những điều gì? Vì sao?

Là bác sĩ thì quan trọng nhất phải có cái Tâm với nghề. Và bác sĩ chữa trầm cảm thì càng quan trọng phải có cái Tâm. Khi có cái Tâm, nghĩa là bạn mới thực sự thương người bệnh. Khi đó bạn sẽ thăm khám cho người bệnh bằng cả trái tim và khối óc mới ra được bệnh.

Bởi rất nhiều người bệnh mà các triệu chứng không điển hình, rất khó để xác định 1 ca trầm cảm. Ngược lại, phải khám tỉ mỉ, khám lâu, hỏi kỹ và đồng cảm với người bệnh mới được.

Nếu như nhiều bác sỹ khám bệnh nhân rất qua loa, thậm chí quát nạt thì không bao giờ chữa được trầm cảm.

Hiện nay ngoài thuốc, chúng tôi dùng kỹ thuật mới nhất mà thế giới đang áp dụng là kích thích từ xuyên sọ. Kỹ thuật này điều trị khá hiệu quả trầm cảm.

Trong quá trình chữa bệnh, đã có những thời điểm mà gặp hoàn cảnh quá đỗi éo le của bệnh nhân, lòng 1 bác sĩ như ông cũng đã phải chùng lòng xuống không? Đó là những hoàn cảnh nào?

Tôi đã gặp một số bệnh nhân trầm cảm sau sinh của các phụ nữ. Bản thân họ biết bị bệnh nhưng chồng, gia đình đều cho là họ giả vờ. Cụ thể như có bệnh nhân ở Thanh Hóa, chị ức quá đã định ôm con nhảy từ tầng 2 xuống vì cho rằng tại con mà chị phải chịu oan ức thế này. Chị không ăn không ngủ được, mệt mỏi quá không làm được thì nhà chồng cứ bảo giả vờ, lười biếng.

Gặp Tiến sĩ chữa trầm cảm đầu ngành của Việt Nam chưa từng bó tay trước người tâm thần nào! - Ảnh 3

Những ca trầm cảm sau sinh của các phụ nữ khiến một bác sỹ như ông cũng thấy thương cảm và chùng lòng xuống.

2 tuần đầu sau sinh, người bệnh thường mất ngủ, lo âu, buồn chán. Các biểu hiện này kéo dài quá 2 tuần dễ phát sinh trầm cảm sau sinh. Nếu được gia đình, nhất là chồng động viên, giúp đỡ thì bệnh sẽ tiến triển tốt hơn.

Trước những bệnh nhân này, lòng bác sĩ như chúng tôi thường rất thương cảm và chùng lòng xuống. Cá nhân tôi rất mong, chúng ta nên tìm hiểu tại sao lại vậy để giúp đỡ những phụ nữ như thế thay vì nghi ngờ hoặc hắt hủi họ.

Những dự định và kế hoạch của ông lúc này?

Là một bác sĩ, tôi đã chữa cho rất nhiều bệnh nhân trầm cảm khỏi bệnh. Bởi vậy, trong tương lai tôi dự định sẽ viết một cuốn sách về các phương pháp chữa một số bệnh trầm cảm rất đặc hiệu mà nhiều bác sỹ hiện nay còn lúng túng.

Xin chân thành cảm ơn ông và chúc bác sĩ luôn thực hiện được dự định này của mình. Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2, thay mặt Emdep.vn, xin kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe và là nơi được nhiều bệnh nhân tin tưởng, gửi gắm bệnh tật nguy nan của mình.

Thảo Nguyên