config

Năm 1995, BS. Tô Thanh Phương sang Pháp tu nghiệp về chuyên ngành trầm cảm. Năm 2002 ông trở lại Pháp làm nghiên cứu sinh. Đầu năm 2005, ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ về chuyên ngành trầm cảm nặng với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần”. BS. Tô Thanh Phương là TS. đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực điều trị trầm cảm. Năm 2014, ông là một trong 42 Trí thức nhận Bảng vàng vinh danh “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

 

  

Một xã có gần 20 người bị nhốt, xích như phạm nhân thời Trung cổ

* Thưa BS., vừa rồi chúng tôi đến xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Chỉ riêng xã đó có đến gần 20 người tâm thần, hơn 10 người bị xích, nhốt trong nhà; thậm chí bây giờ vẫn có người đi lang thang đánh người, có trưởng thôn đã bị giết, có cả người bệnh vốn là quân đội, là công an hiện nay đang bị xích do bệnh tâm thần… Theo ông bản chất câu chuyện là do lỗi của ai và chúng ta cần làm thế nào để chấm dứt tình trạng đó?

- Theo tôi, trước hết là bên chính quyền phải biết tại sao lại nhiều người bệnh bị xích như thế. Thứ hai là y tế cơ sở, thấy bệnh nhân xích nhiều thế sao không đưa ra chính quyền để đề xuất những giải pháp điều trị làm sao cho hài hòa, tốt nhất cho người bệnh. Một xã mà có gần 20 người tâm thần bị xích nhốt như thế thì tôi thấy là quá khủng khiếp. Chúng ta sống trong xã hội văn minh, xích như thế này thì không khác gì thời Trung cổ, nên các cấp chính quyền, từ xã lên huyện, kể cả tỉnh, phải làm thế nào để hài hòa nhất giữa bên chính quyền và y tế để người bệnh được hưởng chính sách ưu đãi nhất của Nhà nước.

               

 
 TS. TôiThanh Phương - PGĐ BV Tâm thần Trung ương (Hà Nội).

* Ông đã bao giờ nghe đến một xã nào mà có nhiều người tâm thần, nhiều người bị xích đến thế chưa?

- Tôi chưa từng nghe. Hôm nay được biết thì tôi thấy đây là trường hợp rất đáng quan tâm. Tôi sẽ đưa ra và bàn bạc với Ban Giám đốc bệnh viện, nếu xã, tỉnh cần sự hỗ trợ thì chúng tôi có thể cử một đoàn đến tìm hướng giải quyết. Chúng ta phải tìm góc độ chuyên môn để làm sao dùng thuốc điều trị tốt nhất để bệnh nhân có thể hòa nhập xã hội.

Theo ông, vì lý do gì mà một xã lại có nhiều người tâm thần như thế?

- Thứ nhất là nghèo, không có bảo hiểm. Nếu có tiền mua được bảo hiểm thì ít ra là có thể đi viện được, không xảy ra cảnh xích nhốt như thế. Thứ 2 là xem lại xem y tế cơ sở, hằng tháng cấp phát thuốc có đều không. Thứ 3 rất quan trọng là người cấp phát thuốc có đúng tính chất bệnh không.

Có gia đình nói với tôi rằng, thuốc cán bộ cho uống kiểu gì cũng không khỏi, nó chỉ buồn ngủ thôi?

- Y tế của ta cấp thuốc rất chung chung, tất cả các bệnh nhân đều là 3 - 4 loại thuốc giống nhau, trong khi tâm thần rất nhiều thể, có đến 300 “mã bệnh” liên quan đến tâm thần. Để chữa cho một người bệnh tâm thần là vô cùng phức tạp. Trước hết người bệnh phải được khám rất tỉ mỉ, cặn kẽ, chu đáo, vì mỗi người bệnh là một biểu hiện khác nhau, nên không thể dùng một loại thuốc như nhau để cho các người bệnh được. Theo tôi muốn giải quyết triệt để với những người bệnh này thì nên đưa đến những bệnh viện uy tín nhất để bác sĩ khám, phân loại xem người bệnh thuộc “mã bệnh” gì đã.

Có khó khăn gì về chuyên môn thì tốt nhất cứ gửi về bệnh viện chúng tôi. Chúng tôi không những có thể điều trị cho người bệnh hồi phục tương đối tốt, bước tiếp theo thì điều trị ở gia đình, nên tháo gông xiềng cho người bệnh. Mà người bệnh tâm thần, khi người ta đã ổn định rồi thì rất cần tái hòa nhập xã hội, họ cần cả cộng đồng giúp đỡ.

Người ta cứ thờ ơ như không... với vấn đề người tâm thần!

Gia đình người bệnh nghèo khó, không được học hành, nhận thức hạn chế nên không cho bệnh nhân uống thuốc thường xuyên, thì y tế cơ sở phải làm việc đấy, đúng không ạ?

- Vừa rồi tôi đi Hà Giang và mấy tỉnh Tây Bắc. Ví dụ ở tỉnh Hà Giang chẳng hạn, trình độ chuyên môn trên ấy vừa kém vừa không nhiệt tình, tôi là PGĐ BV TTTƯ, tôi lên làm việc với Sở Y tế, nói rằng, chúng tôi dưới này sẵn sàng lên giúp đỡ, kể cả mở lớp đào tạo, điều trị, giúp đỡ người bệnh, cần như thế nào thì cứ lập kế hoạch đưa chúng tôi biết. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay vẫn không thấy phía tỉnh ấy có động thái hay ý kiến gì. Có lần tôi còn nói dưới này chúng tôi cũng đã gửi một đề xuất để họ xem, tôi gọi điện lên hỏi đi hỏi lại đến 3 - 4 lần họ cũng vẫn… không có ý kiến gì. Thế mới buồn cười, trong khi mình rất nhiệt tình giúp đỡ thì người ta lại cứ thờ ơ như không.

Chúng tôi đi các tỉnh, đề nghị tỉnh thành lập các bệnh viện tâm thần để quản lý những bệnh nhân, không bệnh nhân tâm thần làm rối loạn xã hội. Cách đây mấy năm tôi chữa cho một bệnh nhân tâm thần đến mức… ăn thịt người ở Lạng Sơn. Hà Văn Pẩu bị ảo thanh, hai lần tự tử rồi mà không chết. Lúc mới xuống viện, Pẩu này cứ lừ lừ, lầm lì, anh nào cũng sợ. Nghe nói nó ăn thịt người là ngay cả bệnh nhân tâm thần trong viện cũng sợ, không anh nào dám nằm cùng. Sau điều trị một thời gian thì Pẩu tỉnh táo. Nhà báo đến phỏng vấn còn trả lời đâu vào đấy, bảo rất muốn lấy vợ. Hỏi lấy vợ làm gì? Bảo lấy vợ để đẻ một đứa con để trả cho cái nhà kia (nhà có cháu bé bị Pẩu ăn thịt). Khi ổn, chúng tôi cho về địa phương, nhưng về nhà, Pẩu lại bị nhốt. Đợt ấy tôi đã nói tốt nhất chính quyền địa phương, cán bộ xã nên trao đổi chuyên môn với chúng tôi để chúng tôi hướng dẫn. Tôi còn nói rõ về phác đồ điều trị cho Pẩu là mỗi tháng tiêm một lần, mỗi tối uống 1 - 2 viên thuốc, rất nhẹ nhàng thế thôi thì anh này sẽ trở về bình thường, chứ không thì anh này cực kỳ nguy hiểm. Thế mà rồi người ta không quan tâm để cho Pẩu bị lại, không bao lâu sau thì chết.

 

 

 
 Bệnh nhân tâm thần trong giờ vận động tại khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. 

Vậy thì việc bỏ mặc cho người tâm thần bị xích, nhốt, đi lang thang, lỗi là do đâu?

- Tôi xin được nói thẳng là do chính quyền địa phương. Phải trách chính quyền địa phương, tại sao có những bệnh viện giỏi về chuyên môn mà không liên hệ? Nếu chính quyền địa phương quan tâm đến những đối tượng nguy hiểm thì tại sao không gọi đến trao đổi xem bệnh viện chuyên khoa hướng dẫn như nào, rồi chỉ thị y tế khu vực làm theo lời của bác sĩ. Nếu địa phương làm những điều đó thì tình trạng của những bệnh nhân tâm thần sẽ khác. Đằng này, khi rời sự can thiệp của bác sĩ là bệnh nhân lại trở về hoang dã, lại điên loạn ngay. Chính quyền, chỉ đơn giản là làm động tác: Không quản lý được thì mua cho người ta cái bảo hiểm chạy ra chạy vào. Có thiếu gì cách đâu, chỉ có cái là không quan tâm, chưa tử tế như cần phải có với đồng loại của mình khi chẳng may mắc bệnh.

Theo ông, tỉnh Cao Bằng cần làm những việc gì trước, những việc gì sau và cần làm như thế nào để đúng với quy trình cần phải có?

- Theo tôi nghĩ việc làm trước mắt là nên mua cho mỗi bệnh nhân một thẻ bảo hiểm y tế, rất cần thiết. Nếu gia đình nghèo quá thì xã có một quỹ nào đó để giúp người ta mua BHYT, trước mắt như thế đã. Sau đấy đưa bệnh nhân đến BV TTTƯ I điều trị, điều trị ổn thì về, chúng tôi sẽ hướng dẫn tiếp. Về lâu về dài, tỉnh Cao Bằng nên thành lập một bệnh viện điều trị riêng cho bệnh nhân tâm thần. Khi có BVTT riêng thì theo ngành dọc là dưới sự chỉ đạo của chúng tôi - BVTTTƯ I chỉ đạo các tuyến các tỉnh, thì hiệu quả điều trị rất tốt, và các thông tin cập nhật hàng ngày trong nước và thế giới có thể cập nhật đến các bệnh viện. Về lâu về dài là nên có BV tỉnh là tốt nhất. Nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần nặng suốt một thời gian dài ở Cao Bằng, như chị Triệu Thị Hà Tiến (nhân vật trong phóng sự “Mẹ không nhớ đường về nhà” đăng trên Báo Lao Động), ở truồng đi lang thang, con sinh ra không biết của ai, điên loạn đủ trò, đến mức UBND tỉnh phải cho xe cấp cứu xuống đây nhờ chúng tôi điều trị. Chỉ nửa tháng, họ ổn định ngay và sẽ ổn định lâu dài nếu chịu khó uống thuốc đúng cách. Hiện nay chị Tiến vẫn đang được theo dõi, chăm sóc ở chính khoa tôi phụ trách.

Xin cảm ơn ông!