Thứ sáu, 27/02/2015 | 13:01 GMT+7

(ĐSPL) - Là Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực điều trị trầm cảm, T.S Tô Thanh Phương được biết đến như "từ mẫu" đã cống hiến gần trọn cuộc đời cứu vớt những bệnh nhân tâm thần.

Tên tuổi của T,S Phương (SN 1959) - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa cấp tính nữ - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) gắn liền với Luận án Tiến sỹ "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần” và đã tạo ra một bước đột phá đối với ngành tâm thần học.

Đó là phương sử dụng thuốc an thần kinh kết hợp với thuốc trầm cảm (Amitriptyline) mà trên thế giới chưa hề có một tài liệu nào đề cập đến. Bằng phương pháp điều trị này, Tiến sỹ Phương đã chữa khỏi cho rất nhiều người bệnh trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau (nhẹ, trung bình, nặng (không loạn thần và có loạn thần)... mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Gặp “Từ mẫu” của những bệnh nhân tâm thần - Ảnh 1Phóng to

 

T.S Tô Thanh Phương thăm khám các bệnh nhân.

 

Ngày 7/10/2014, ông được chọn là một trong 42 Trí thức nhận Bảng vàng vinh danh “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)...

Tiếp PV trong giây phút thảnh thơi ít ỏi trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2)”, T.S Tô Thanh Phương tâm sự về kỷ niệm khó quên từ ngày theo nghề.

T.S Phương Kể: Tôi nhớ nhất lần vừa vào công tác tại Bệnh viện, khi ấy có một bệnh nhân nam bị chứng bệnh trầm cảm trốn bệnh viện chạy ra ngoài.

Bệnh nhân này lại là giảng viên võ thuật của một trường ĐH. Khi nghe tin bệnh nhân trốn viện ra ngoài tôi và một y tá nữa đèo nhau trên chiếc “xe cá ươn”.

Khi đi về phía Nam, cách bệnh viện cũng khá xa, chúng tôi thấy bóng dáng bệnh nhân nhưng rất sợ vì người này có võ lại to cao. Lúc này, cả hai chẳng biết làm thế nào nếu lao thẳng tới trói lại chỉ sợ bị đánh vì bệnh nhân có võ…

Chúng tôi bám từ từ theo phía sau, thấy bệnh nhân mất cảnh giác tôi đã nhảy khỏi xe máy bất ngờ quàng tay qua cổ, ôm lấy bệnh nhân, y tá đi cùng cũng bỏ xe máy sang một bên lao tới cùng khống chế, vài phút sau bệnh nhân ấy cũng bị trói lại rồi chúng tôi đưa lên xe máy chở về bệnh viện.

 
 
 

Nói về những khó khăn trong quá trình đi tìm các phương pháp chữa trị chứng bệnh trầm cảm, t.s Phương kể lại: Năm 1986, tôi về làm việc tại Bệnh viện, đó cũng là giai đoạn vô cùng khó khăn khi đội ngũ y bác sĩ thì thiếu kiến thức, kinh nghiệm, các cơ sở vật chất thì nghèo nàn, dường như không thể đáp ứng được việc chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần được đưa vào.

Đặc biệt, khi các bệnh nhân tâm thần được chuyển vào đây họ rất nguy hiểm, một số y bác sỹ còn bị bệnh nhân đánh vỡ quai hàm, bẻ gãy tay… 

Cũng bởi lý do này nên nhiều bác sỹ không dám ở lại công tác mà phải chuyển đi. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ rằng: “Chẳng nhẽ cuộc đời mình đến thế này thôi sao?”. Mặc dù rất bi quan, chán nản nhưng tôi vẫn quyết định ở lại.

Từ những khó khăn ấy, T.S Phương đã tự mình đi học tiếng Pháp sau đó thi đỗ và sang Pháp học (1995). Tại Pháp ông nhận thấy phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm của họ rất hay và giải quyết được cho rất nhiều bệnh nhân.

"Trong khi đó tại Việt Nam, bệnh nhân tâm thần được đưa đến bệnh viện chẳng khác gì đẩy vào nhà tù" - T.S Phương nói.

Sau 1 năm học tôi đem theo nhiều cuốn sách nghiên cứu chữa trị bệnh trầm cảm đang thịnh hành từ bên Pháp về Việt Nam và áp dụng điều trị cho các bệnh nhân. Theo như các phương pháp điều trị trong sách thì bệnh nhân trầm cảm chỉ dùng thuốc trầm cảm và thấy hiệu quả không cao.

Đến năm 2002, tôi quyết định sang Pháp lần thứ 2 để hỏi thầy giáo đã dạy tôi về phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm, sau đó làm thử “Nghiên cứu đặc điểm lâm -sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần”.

“Ban đầu, khi nghiên cứu "Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần", tôi bị rất nhiều người phản đối song nghĩ về người bệnh phải khổ sở, mức độ nguy hiểm ngày càng bộc lộ ra vì không có phương pháp chữa trị, các bác sỹ thì nơm nớp lo sợ nên tôi quyết định mạo hiểm thực hiện cho bằng được. Sau đó, phương pháp này đã thành công và ngày càng được nhân rộng”.

Ngoài ra ông còn thực hiện thành công nghiên cứu “kích thích từ xuyên sọ trong hỗ trợ điều trị ảo thanh kéo dài ở bệnh nhân tâm thần phân liệt Paranoid.

Chia sẻ về tương lai, T.S Phương cho biết: Thời gian tới tôi có khá nhiều dự định, những dự định ấp ủ to lớn và tâm huyết nhất là viết một quyển sách về các công thức trầm cảm điều trị các dạng bệnh trầm cảm để lại cho thế hệ sau này.

“Tôi mong thế hệ trẻ hãy cống hiến hết mình, làm việc nhiệt tình, luôn đặt cao trọng trách của người thầy thuốc lên hàng đầu. Đừng thấy chút khó khăn mà từ bỏ người bệnh, vì được chữa trị, chăm sóc cho người bệnh khỏi bệnh đó chính là niềm vui lớn cho những người bác sỹ”. T.S Phương trăn trở.