Sau khi cãi nhau với bạn trên Facebook, cô gái 18 tuổi bị ám ảnh, trong đầu luôn nghe thấy tiếng người chửi. Cô trở nên lầm lỳ, sợ hãi và phải nhập viện tâm thần.
Nằm điều trị tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Nguyễn Thị Hoa (18 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) mang dáng vẻ thất thểu, mệt mỏi. Hoa vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp và đại học nhưng do căn bệnh trầm cảm khởi phát từ trước đó nên em đã không vượt qua kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Ngồi bên cạnh là chị Hạnh (mẹ của Hoa). Chị cho biết rất thương con nhưng chỉ biết động viên để Hoa nhanh khỏe để tiếp tục ôn thi vào năm sau, bắt đầu lại cuộc đời.
Bác sĩ Tô Thanh Phương - PGĐ Bệnh viện, trưởng khoa Cấp tính nữ - đang thăm khám cho bệnh nhân Hoa. Ảnh: Việt Hùng. |
Ảo thanh chỉ vì Facebook
Chị Hạnh cho biết: “Cách đây khoảng 5 tháng, tôi để ý thấy con gái có những biểu hiện bất thường như hay cười tủm một mình, lẩm bẩm, nói chuyện một mình, thất thểu, gọi 2-3 tiếng mới thưa, hay kêu chán, không chịu ăn, thậm chí trốn ăn, không ngủ. Sau một thời gian, tôi thấy con gầy đi trông thấy, xanh xao nên rất lo lắng”.
Sau khi trò chuyện với con, chị mới biết Hoa thường xuyên truy cập Facebook. Gần đây, em và bạn thân có mâu thuẫn và cãi nhau trên mạng xã hội. Hoa bị người bạn kia nói xấu, bêu rếu trên Facebook nên chán nản, mệt mỏi. Em trở nên ngại tiếp xúc với bạn bè, người xung quanh, lầm lỳ trong nhà.
Nghiêm trọng hơn, cô bé 18 tuổi luôn nghe thấy trong đầu có tiếng nói, đặc biệt là tiếng chửi mình. “Hoa kể con liên tục nghe thấy người chửi mình. Thỉnh thoảng lại kêu lên ‘mẹ ơi, nó chửi con’, khiến em mất kiểm soát và sợ hãi. Tình trạng ngày càng nặng nên chúng tôi quyết định đưa em vào viện”, chị Hạnh cho hay.
Hệ lụy từ thế giới ảo
Nói về trường hợp này, TS.BSCC, Phó giám đốc, Trưởng khoa cấp tính nữ Tô Thanh Phương, cho hay: “Bệnh nhân Hoa nhập viện trong tình trạng trầm cảm, có ảo thanh, bên trong đầu luôn có tiếng nói xui khiến. Bệnh nhân có ý định tự tử. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân có tiến triển, đã ăn uống nhiều hơn, ngủ ngon hơn”.
Theo bác sĩ Phương, lứa tuổi từ 17-18 tuổi nhập viện tâm thần không phải hiếm. Bệnh nhân tại đây thuộc 4 nhóm chính:
- Do yếu tố gia đình chiếm 5-7%.
- Nhân cách người bệnh (những người kín đáo, ít thể hiện, người có đòi hỏi quá cao trong công việc, cuộc sống nhưng không thực hiện được).
- Mắc một căn bệnh nào đó (bệnh ung thư, bệnh tim, phụ nữ sau đẻ,…).
- Liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội (chiếm tới 60-70%).
Trường hợp của bệnh nhân Hoa không hiếm gặp, nó thuộc nhóm cuối cùng, bao gồm các nguyên nhân xuất phát từ tình cảm, áp lực cuộc sống, thi cử,…
Theo bác sĩ Phương, bệnh nhân trầm cảm có dấu hiệu ban đầu kín đáo, sau đó diễn biến nặng với các biểu hiện loạn thần, ảo thanh, ảo giác,… Đa số đều có ý định tự sát. Nếu gia đình không phát hiện, hệ lụy sẽ rất nguy hiểm. May mắn trong trường hợp này, gia đình đã phát hiện và quan tâm kịp thời.
Chia sẻ thêm về tác động của mạng xã hội, bác sĩ Vương Khánh Hiệp, Phó khoa Cấp tính nữ cho hay, những sang chấn tâm lý, stress phần nhiều là do mạng xã hội, việc học hành, gia đình mang lại.
Đặc biệt, mạng xã hội đang ảnh hưởng tới tâm lý giới trẻ rất nhiều. Bác sĩ Hiệp phân tích, nhiều em nghiện Facebook, thức thâu đêm, không ăn uống để chơi, trò chuyện, sống ảo.
Kết quả, chúng khiến hệ thần kinh yếu đi và làm tính cách thay đổi. Họ trở nên ngại giao tiếp, ít để ý công việc của mình. Bệnh nhân mất ăn mất ngủ, đau đầu, xuất hiện cảm giác lo sợ.
Ngoài ra, những thông tin trên mạng xã hội có thể khiến bệnh nhân xuất hiện ảo tưởng, chi phối cảm xúc hành vi của bản thân.
"Với những tác động này bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần, ảo tưởng. Đáng tiếc, nhiều gia đình thường giấu, không đưa đến viện để điều trị, dẫn tới những sự việc đáng tiếc. Đó là những vụ tự tử ở những tuổi rất trẻ", bác sĩ Hiệp lo ngại.
* Tên nhân vật đã được thay đổi