Nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng, biểu hiện của bệnh tâm thần nhưng lại chọn khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc ngược lại. Điều này dẫn đến việc thăm khám, điều trị không hiệu quả.
Khi nói đến bệnh tâm thần mọi người thường hình dung đến hình ảnh những người xấu xấu bẩn bẩn, quái dị, hành động kỳ quặc, kêu la, cởi bỏ quần áo, tính khí bất thường, hành vi không giống ai... Điều này làm nhiều người hiểu sai về bệnh tâm thần và mất đi cơ hội được thăm khám và điều trị hiệu quả.
Vì sao nhiều người gặp các biểu hiện của bệnh tâm thần nhưng lại chọn khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh?
Tỷ lệ người Việt Nam có khả năng bị bệnh tâm thần một lần trong đời là 15 - 20% dân số dựa theo thống kê gần đây của Viện sức khoẻ tâm thần trung ương. Bệnh tâm thần rất phổ biến trong cộng đồng. Như trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%, nghiện rượu, ma túy, game online đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng.
Điều này có nghĩa là bệnh tâm thần là bệnh thường gặp trong cộng đồng, thậm chí trong trong mỗi giai đoạn cuộc đời mỗi chúng ta. Bệnh tâm thần không chỉ là biểu hiện bất thường mà xã hội lâu nay định kiến, hình dung. Mà nó là những biểu hiện, triệu chứng xuất hiện đâu đó trong cuộc sống của mỗi người.
Phân biệt bệnh thần kinh và tâm thần
Trong bệnh thần kinh có tổn thương thực thể tại các phần khác nhau của hệ thần kinh như não bộ, tủy sống, dây thần kinh ngoại vi. Từ đó gây nên các bệnh thần kinh như: đau dây thần kinh toạ, thần kinh ngoại biên, đau nửa đầu, nhức đầu kinh niên, chóng mặt, viêm não, viêm tuỷ sống, thoát vị đĩa đệm, đột quỵ...
Trong bệnh tâm thần, các tổn hại thực thể của hệ thần kinh không rõ rệt. Tiến hành chụp chiếu, xét nghiệm thường không phát hiện tổn thương thực thể. Ða số các dấu hiệu bệnh là do rối loạn chức năng của não. Từ đó sinh ra các bệnh tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh trầm cảm, bệnh hoang tưởng, bệnh rối loạn cảm xúc,...
Các biểu hiện, triệu chứng bệnh thần kinh và bệnh tâm thần
Triệu chứng bệnh thần kinh |
Triệu chứng bệnh tâm thần |
Bất tỉnh Bị tê bì nửa mặt Căng thẳng mãn tính Cáu gắt Choáng váng Chóng mặt Có cơn co giật Co rút tay chân Cơn động kinh Đau đầu dữ dội Đau đầu kéo dài Đau nửa đầu Đau nửa đầu kinh niên Đau thần kinh do zona Đau thần kinh tọa Đột ngột đau đầu Giảm trí nhớ Hay quên Hôn mê Kém trí nhớ Lú lẫn Nôn mửa Sa sút trí tuệ Tai biến nhẹ Tê bì nửa mặt Tê bì nửa người Tê bì tay chân |
Ảo giác Bi quan Bồn chồn Buồn rầu Đập phá đồ đạc Hành vi hung hăng Hay tức giận Hoảng hốt Hoang tưởng Khó tập trung tâm trí Khóc cười vô duyên Kích động Lo âu Lo lắng Mất tập trung Nghiện ngập rượu, ma túy Nhầm lẫn tư duy Nói cười một mình Rối loạn giấc ngủ Sợ hãi Sợ một mình Sợ nơi đông người Suy nghĩ tự sát Trầm cảm Tuyệt vọng Xa lánh mọi người Ý nghĩ kỳ lạ |
Nên đi khám ở đâu?
Khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh lý thần kinh hay tâm thần, bệnh nhân (hoặc người thân) chủ động đi khám với chuyên khoa phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế đôi khi triệu chứng, biểu hiện không rõ ràng và không dễ để xác định là bệnh thần kinh hay tâm thần. Bên cạnh đó, một số biểu hiện của bệnh thần kinh và tâm thần có thể giống nhau rất khó để bệnh nhân phân biệt. Khi đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến của y bác sĩ trước khi đi khám hoặc tìm hiểu để hiểu thêm vấn đề của mình để đi khám đúng bác sĩ sẽ hiệu quả hơn.
Trong nhiều trường hợp, khi biểu hiện bệnh lý không rõ ràng bệnh nhân có thể đến để được bác sĩ thăm khám tổng quát. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân thăm khám đúng với bác sĩ chuyên khoa thần kinh hay chuyên khoa tâm thần.
Thành Luân(tổng hợp)