Theo Lê Phương (Khám phá )
Đến nay, sau 5 ngày nhập viện, nữ giáo viên tên Thuận vẫn đang phải ăn xông và hàng ngày các bác sĩ phải dùng phương pháp kích thích từ xuyên sọ để điều trị.
Clip: Bác sĩ chỉ cách để sản phụ vượt qua trầm cảm sau sinh (Nguồn: Pháp luật TP.HCM)
PGS.TS Tô Thanh Phương – PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, cách đây 5 ngày khoa Cấp tính nữ có tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Thuận (hơn 30 tuổi, ở Vĩnh Phúc) trong tình trạng bị trầm cảm nặng, cơ thể gầy gò, xanh xao.
Khi nhập viện, bệnh nhân Thuận chống đối kịch liệt các bác sĩ và cả người nhà. Thậm chí trước đó chị Thuận còn tuyệt thực liên tục trong suốt 5 ngày, không giao tiếp với ai…
Qua tiếp xúc với gia đình bệnh nhân, PGS Tô Thanh Phương nhận định, trường hợp nữ bệnh nhân này bị trầm cảm nặng sau sinh và đã tích tụ trong một thời gian dài, nên bệnh rất trầm trọng.
Khi vào viện, bệnh nhân chống đối nên các bác sĩ phải khống chế để điều trị.
Gia đình kể lại, bệnh nhân vốn là một giáo viên dạy giỏi. Sau khi lấy chồng và sinh con đầu lòng, cháu bé vừa chào đời đã bị dị tật bẩm sinh nên chị Thuận bị sốc và bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm.
Sau sinh, không biết nghe lời mách bảo của ai, chị Thuận đã bỏ đói con 5 ngày không cho ăn, không cho bú nên đứa bé đã tử vong.
Một thời gian sau, chị Thuận tiếp tục sinh con thứ thứ 2. Dù nhận được sự quan tâm của gia đình, nhưng khi cháu bé được 2 tuổi bỗng tử vong không biết nguyên nhân.
“Liên tục xảy ra biến cố trong cuộc sống, cô giáo trẻ sinh ra chán nản và sống thu mình với mọi người xung quanh. Một thời gian sau khi đứa con thứ 2 tử vong, nữ bệnh nhân tiếp tục sinh được 2 người con nữa. Nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng, vì thế gia đình đã đưa chị Thuận đến viện để điều trị”, PGS Tô Thanh Phương chia sẻ.
Khi vào viện, do chị Thuận bị kích động và không hợp tác điều trị, nên các bác sĩ đã phải cố định bệnh nhân bằng cách buộc chân, tay vào giường bệnh, đồng thời cho bệnh nhân ăn qua đường xông.
“Những phụ nữ bị trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể để lại hậu quả khủng khiếp. Thực tế, đã có không ít những trường hợp tự sát hoặc sát hại con chỉ vì trầm cảm sau sinh”, PGS Tô Thanh Phương cảnh báo.
Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp kích từ xuyên sọ.
Đối với trường hợp nữ giáo viên trên, sau khi cố định được người bệnh, PGS Phương cùng với các cộng sự của mình đã áp dụng phương pháp điều trị trầm cảm mới nhất hiện nay, đó là kích thích từ xuyên sọ.
“So với các phương pháp truyền thống như điều trị bằng thuốc, kích thích từ xuyên sọ đạt hiệu quả cao và áp dụng cho những bệnh nhân nặng với liệu trình mỗi ngày kích thích từ 1 lần. Điều trị tần số tăng dần lên theo từng ngày và khả năng đáp ứng của người bệnh.
Thông thường sau khoảng 1 tháng điều trị, bệnh nhân sẽ ổn định và cho xuất viện. Sau đó, nếu có điều kiện bệnh nhân sẽ quay lại kích thích từ xuyên sọ 1 ngày/1 lần, còn nếu ở xa sẽ cho dùng thuốc”, PGS Phương phân tích.
Đến nay sau 5 ngày điều trị, chị Thuận đã bớt bị kích động hơn, đáp ứng điều trị tốt.
PGS Phương khuyến cáo, đối với phụ nữ sau sinh, người thân phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ động viên để không bị ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy nghĩ.
Nếu khi phát hiện những biểu hiện như không nói gì, sống thu mình, ngại tiếp xúc với mọi người hoặc có hành động khác thường thì cần nghĩ đến trầm cảm sau sinh và đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi